Vào những hôm thời tiết se lạnh hay mưa giông, thì còn gì tuyệt vời hơn khi bữa cơm nhà bạn hôm đấy có món giả cầy. Miếng thịt mềm thơm đậm đà, ngấm đều gia vị, nước chan sền sệt hấp dẫn, thật khó có thể chối từ. Thông thường để làm món giả cầy mọi người hay sử dụng thịt heo, thịt chó hay thịt thỏ. Nhưng bạn có biết thịt vịt cũng có thể được sử dụng để chế biến món ăn này. Hương vị lại còn rất thơm ngon nữa chứ. Cách làm vịt nấu giả cầy không khó, bạn chỉ cần nắm được các bước chế biến đơn giản của Chế Độ Ăn dưới đây là có thể nấu thành công món ăn này rồi. Hãy tham khảo ngay nhé!
Cách làm vịt nấu giả cầy truyền thống
Món thịt vịt nấu giả cầy luôn có một sức hút đặc biệt đến từ sự hoà quyện hương vị đậm đà giữa riềng, sả, mắm tôm và vị ngọt thơm của thịt vịt, khiến ai một lần nếm thử thì cũng sẽ bị chinh phục bởi món ăn này. Trước tiên để thực hiện món thịt vịt nấu giả cầy bạn cần chuẩn bị:
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 1/2 con vịt
- 1 củ riềng
- 1 củ tỏi
- 1 củ gừng
- 3 thìa canh mẻ
- 10gram các loại gia vị gồm có mắm, muối, hạt nêm, đường, mì chính, mắm tôm, bột nghệ…
Các bước làm vịt nấu giả cầy truyền thống
Bước 1: Sơ chế thịt vịt để nấu giả cầy
Thịt vịt sau khi mua , bạn cần làm sạch lại một lần nữa để loại bỏ hết các mảng bám hay phần lông tơ còn sót lại. Để khử đi mùi hôi thường có trong lớp da vịt bạn đem chà xát da vịt với hỗn hợp muối hạt, nước cốt chanh hoặc gừng tươi và giấm ăn để khử mùi sau đó bạn rửa lại thịt vịt nhiều lần với nước cho thật sạch rồi vớt ra rổ cho ráo nước.
Khi thịt vịt đã ráo, bạn đặt nửa con vịt lên vỉ nướng và nướng sơ qua trên bếp than hoa đến khi thấy phần da của nó hơi cháy xém và tỏa ra hương thơm đặc trưng là được. Nếu không có bếp than bạn có thể sử dụng lò nướng hay nồi chiên không dầu, hoặc có thể bỏ qua bước này.
Tiếp đó bạn chặt thịt vịt ra thành những miếng vừa ăn.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Các nguyên liệu khác bạn đem sơ chế:
Với riềng, bạn rửa sạch, cạo bỏ lớp vỏ ngoài rồi giã nhỏ.
Sả thì bóc bỏ phần lá giá bên ngoài, rửa sạch đập giập, băm nhỏ.
Với tỏi, bạn bóc vỏ, đập dập, băm nhuyễn.
Ớt tươi thì rửa sạch, bỏ cuống và xắt lát.
Bước 3: Tẩm ướp gia vị cho thịt vịt
Trước khi đem nấu bạn tẩm ướp thịt vịt cùng các gia vị như sau: 1 thìa riềng giã nhỏ, 3 thìa mẻ, nửa thìa tỏi băm nhỏ, 1 thìa muối, 1 thìa cà phê bột nghệ, 3 thìa cà phê hạt nêm và 1 thìa mắm tôm. Sau đó, bạn trộn đều tất cả lên cùng với thịt vịt rồi để ướp như thế trong khoảng 30 phút – 1 tiếng nhé.
Bước 4: Tiến hành làm vịt nấu giả cầy
Tiến hành chế biến, đầu tiên phi nửa thìa tỏi băm nhỏ cho đến khi thơm thì bạn cho phần thịt vịt đã tẩm ướp vào, xào đều đến khi thịt vịt săn lại. Sau đó, đổ nước vào nồi cho mặt nước ngập xâm xấp mặt thịt vịt.
Sau đó, đậy kín nắp nồi, bạn đun sôi thịt vịt ở mức lửa lớn, sau đó hạ nhỏ lửa nấu khoảng 30 phút nữa. Khi thấy thịt vịt đã chín mềm và phần nước dùng trong nồi cạn bớt, bạn nêm nếm lại gia vị cho món ăn sao cho vừa miệng.
Cuối cùng, thêm 1 thìa riềng băm nhỏ và nửa thìa cà phê đường vào nồi thịt vịt, trộn đều cho gia vị tan hết rồi tắt bếp.
Múc thịt vịt ra bát, trang trí món ăn cho thêm phần bắt mắt là bạn đã hoàn thành.
Cách làm vịt nấu giả cầy miền Trung
Mỗi vùng miền lại có những cách chế biến món ăn giả cầy vịt riêng. Nếu bạn đang tò mò về cách nấu của miền Trung thì hãy tham khảo ngay hướng dẫn dưới đây:
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 1kg vịt xiêm
- 1 củ gừng
- 1 củ riềng
- 5 nhánh sả
- 1 củ tỏi
- 2 quả ớt
- 2 thìa canh mẻ
- 2 thìa cà phê mắm tôm
- 1 thìa cà phê bột nghệ
- Gia vị khác: đường, muối, hạt nêm, dầu ăn…
Các bước làm vịt nấu giả cầy miền Trung
Bước 1: Cũng tương tự như cách làm giả cầy vịt ở trên, đầu tiên bạn sơ chế, tẩm ướp gia vị cho thịt vịt .
Bước 2: Cách làm vịt giả cầy miền Trung cũng không quá khác biệt. Bạn cũng phi thơm hỗn hợp tỏi, ớt rồi trút thịt vịt đã ướp vào xào cho săn lại, sau đó thêm nước vào đun đến khi thịt vịt chín mềm, ngấm đậm gia vị, đồng thời nước dùng cạn bớt, sánh vàng lại là được.
Cách làm vịt nấu giả cầy miền Trung này chỉ khác một chút ở lượng thành phần các nguyên liệu sử dụng, ví dụ như ớt tươi và sả được dùng nhiều hơn bởi người miền Trung thích ăn cay hơn các vùng miền khác.
Cả hai cách làm vịt nấu giả cầy đều thơm mềm, béo ngậy và hài hòa với các hương vị chua cay mặn ngọt, rất hấp dẫn. Với món ăn này bạn có thể ăn kèm với cơm nóng hoặc bún tươi đều rất ngon. Chế Độ Ăn chúc bạn thực hiện món ăn thành công!