Bạch truật là vị thuốc đông y được dùng khá phổ biến trong nhiều bài thuốc cải thiện tiêu hóa cũng như làm đẹp. Vị thuốc Bạch truật được sử dụng từ hàng ngàn năm trước và đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu phát hiện thêm nhiều công dụng mới của bạch truật. Vậy bạch truật có tác dụng gì trong đông y xưa và nay?
Đặc điểm
- Bạch Truật là cây sống nhiều năm, cao 40-60cm.
- Rễ củ mập, có vỏ ngoài màu vàng xám.
- Thân hình trụ, mọc đứng phía trên phân nhánh, phần dưới hóa gỗ. Lá mọc so le, lá phía dưới có cuống dài, xẻ sâu thành 3 thùy (ít khi 5) như những lá chét riêng biệt, thùy giữa to hơn, hình bầu dục hoặc hình trứng, gốc lệch, đầu nhọn, mép có răng cưa như gai; lá gần ngọn có cuống ngắn, không chia thùy, mép khía răng; gân lá nổi rất rõ ở mặt dưới.
- Cụm hoa mọc thành đầu ở đầu cành; mỗi đầu gồm nhiều hoa hình ống, màu tím; tổng bao lá bắc hình chuông gồm những lá hẹp xẻ nhiều thùy rất sâu hình lông chim; nhị 5, hàn liền.
- Quả bế hình cầu hoặc bầu dục, hơi dẹt có một chùm lông dài trắng. Mùa hoa quả: tháng 8-11.
Bạch truật là gì?
Bạch truật có tên khoa học là Atractylodes macrocephala Koidz, thuộc nhóm cây thân thảo sống lâu năm ở khu vực các nước Đông Á. Trong Y Học Cổ Truyền sử dụng phần rễ khô để bào chế ra những bài thuốc có tác dụng đến sức khỏe con người.
Thân bạch truật thẳng, mọc đơn lẻ, ở phía trên có phân ra nhiều nhánh và phía dưới là loại thân gỗ cao từ 0.3-0.7m. Rễ phát triển rất lớn. Lá cây có hai loại khác nhau: Phần trên có cuống ngắn còn phần dưới có cuống dài và ôm sát vào thân.
Bạch truật thường được thu hoạch ở vùng núi từ tháng 10 đến tháng 12 và vùng đồng bằng vào tháng 6 đến tháng 7. Không được thu hoạch quá sớm vì có thể ảnh hưởng đến tác dụng dược lý của thuốc. Vị thuốc bạch truật có mùi thơm nồng, màu trắng ngà, vị ngọt đắng, hơi cay.
Theo các nghiên cứu của Y Học Cổ Truyền, vị thuốc này không độc, tính ấm, vị ngọt dịu. Trong rễ bạch truật có chứa 1,4% tinh dầu và một số thành phần hóa học khác như vitamin A, b-Selinene, atractylon, 10E-Atractylentriol, hinesol, axit palmitic,…
Thành phần hóa học
– Humulene, b-Elemol, a-Curcumene, Atractylone, 3b Acetoxyatractylone, Selian 4(14), 7 (11)-Diene-8-One, Eudesmo, Palmitic acid (Trần Kiến Dân – Thực vật Học Báo).
– Hinesol, b- Selinene (Phó Thuấn Mạc – Thực vật Phân Loại Học Báo).
– 8b-Ethoxyatractylenolide II, 14-Acetyl-12-Senecioy-12E, 8Z, 10E-Atractylentriol, 14-Acetyl-12-Senecioyl-2E, 8E, 10E-Atractylentriol, 12-Senecioyl-2E-8Z, 10E-Atractylentriol, 12- Senecioyl-2E-8E-10E-Atractylentriol (Gia Hiệp Thiên Dân – Dược Học Tạp Chí (Nhật Bản)).
– Trong rễ củ Bạch truật có 1,4% tinh dầu. Thành phần tinh dầu gồm: Atractylon (C16H180), Atractylola (CH160), Atractylenolid I, II, III, Eudesmol và Vitamin A (Trung Dược Học).
Tính vị qui kinh
– Vị đắng, ngọt, tính ôn.
– Qui kinh Tỳ, Vị.
Tác dụng của bạch truật
Dược liệu bạch truật có những công dụng điều trị bệnh như sau:
- Hệ tiêu hóa: Bạch truật có tác dụng chữa chứng táo bón và tiêu chảy. Qua các nghiên cứu trên thỏ đã chứng minh rằng, nước sắc đến từ dược liệu này giúp ức chế trạng thái kích thích ở ruột và kích thích trạng thái ruột ức chế. Ngoài ra, loại thảo dược này có chứa một lượng lớn polysacarit giúp cân bằng hệ tạp khuẩn đường ruột nhằm loại bỏ các chứng rối loạn tiêu hóa, kích thích quá trình biệt hóa các tế bào bên trong ống tiêu hóa và sự phát triển của các vi nhung mao.
- Hệ tiết niệu: Vị thuốc bạch truật giúp ức chế tiểu quản thận hấp thu nước và tăng bài tiết natri giúp lợi tiểu.
- Hệ tuần hoàn: Một số nghiên cứu cho thấy công dụng giãn mạch và chống đông máu sau khi sử dụng nước sắc từ bạch truật.
- Bảo vệ gan: Nước sắc bạch truật có tác dụng ngăn ngừa khả năng suy giảm glycogen trong gan và bảo vệ các tế bào gan.
- Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch: Bạch truật có khả năng tăng cường phát triển hệ miễn dịch thông qua việc tăng bạch cầu, tăng nồng độ IL-1, IL-2, tăng IgG huyết thanh, tăng sinh tế bào lympho ngoại biên, tăng khả năng thực bào của hệ thống các tế bào lưới. Ngoài ra, còn giúp tăng tổng hợp protein ở tá tràng.
- Trong dược liệu có chứa chất atractylenoid có khả năng ngăn ngừa phản ứng viêm (đặc biệt là viêm khớp) và viêm loét hệ tiêu hóa. Mặc khác, còn có khả năng chống viêm loét dạ dày tá tràng nhờ tác dụng ức chế dịch vị bài tiết ra từ dạ dày.
- Dưỡng thai: Các nghiên cứu đã chỉ ra trong tinh dầu của bạch truật có chứa chất atractylone giúp ức chế những hoạt động tự phát của tử cung, làm giảm những cơn co bóp nên có thể hạn chế tỷ lệ sinh non. Ngoài ra, bạch truật còn chứa inulin là hoạt chất dùng để điều trị táo bón. Táo bón ở phụ nữ mang thai cũng là một trong những nguyên nhân gây sinh non và cuối thai kỳ.
- Atractylenolide II và III có chứa trong bạch truật là thành phần hóa học có thể điều chỉnh dòng clorua do GABA gây ra. Do đó, bạch truật có thể sử dụng như một loại thuốc giúp an thần và điều trị chứng mất ngủ ở những người lớn tuổi.
- Bạch truật còn có tác dụng cải thiện sắc đẹp, nhất là trong việc điều trị da xỉn màu hoặc tình trạng tăng sắc tố.
- Bạch truật giúp cơ thể kích thích các tế bào tăng hấp thụ glucose, loại bỏ các acid béo tự do, giảm lipid gan, thúc đẩy trao đổi chất ở các mô mỡ mô cơ giúp giảm đáng kể lượng mỡ thừa trong cơ thể.