Bánh bông lan luôn là món ăn khoái khẩu của nhiều lứa tuổi với đa dạng công thức chế biến đem lại các hương vị, khẩu cảm khác nhau. Nhưng nhìn chung, một chiếc bánh bông lan đạt chuẩn là chiếc bánh bông xốp, có độ đàn hồi, không bị xẹp, ướt hoặc nứt mặt, không bị thắt eo, bị chai hoặc có hương vị tanh còn sót lại của trứng. Vậy hôm nay, để Chế Độ Ăn mách bạn cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện bông xốp bất bại nhưng không cần dùng đến lò nướng, bất kì ai cũng có thể làm được nhé!
Chọn mua nguyên liệu khi làm bánh bông lan
Để làm được một bánh bông lan ngon, đầu tiên ta phải cách chọn mua nguyên liệu để không làm ảnh hưởng đến cấu trúc và hương vị của bánh
Chọn bột mì, bột bắp
Bạn không mua bột làm bánh ở ngoài chợ mà nên mua tại siêu thị hay các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh uy tín. Vì tại đây bạn có đầy đủ thông tin về hạn sử dụng, thông tin dinh dưỡng, xuất xứ,… của bột. Việc sử dụng bột quá hạn có thể ảnh hưởng đến hương vị của bánh bông lan hoặc thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe đường của bạn sau khi dùng.
Bên cạnh đó, bột nếu như bảo quản không tốt sẽ xuất hiện mọt, gián hoặc mùi hôi. Bạn đừng nghĩ chỉ cần rây qua và bỏ những con mọt là được. Việc xuất hiện mọt, gián hay mùi hôi như vậy, cho dù chế biến tốt thế nào cũng không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chọn trứng gà
Nếu như bạn làm bánh bông lan không sử dụng bột nở, trứng gà sẽ là nhân tố chính giúp cho bánh của bạn thơm và nở bông xốp. Bạn phải chọn trứng gà tươi. Để kiểm tra được độ tươi của trứng, bạn hãy chuẩn bị 1 cái ly chứa nước đủ lớn để bỏ trứng gà vào. Nếu khi thả, trứng gà chìm hoàn toàn xuống đáy ly thì đó là trứng gà tươi. Ngược lại nếu trứng gà nổi trên mặt nước là trứng sắp hư, bạn không nên sử dụng.
Chọn bơ và sữa
Bơ và sữa sẽ quyết định độ thơm và béo cũng như là độ đặc của bánh bông lan. Bạn nên để ý kỹ hạn sử dụng của 2 nguyên liệu này và ưu tiên chọn những hãng có uy tín nhé!
Đối với bơ, bạn nên sử dụng bơ động vật thay cho bơ thực vật vì bơ thực vật thường sẽ có mùi đặc trưng, át đi mùi thơm của bánh và có sẵn vị mặn, ảnh hưởng ít nhiều đến hương vị bánh bông lan.
Chọn đường
Đối với bất kỳ nguyên liệu nào bạn cũng cần để ý đến chất lượng bảo quản và hạn sử dụng, đường cũng như vậy. Ngoài ra, bạn nên sử dụng đường bột thay cho đường kính thông thường. Vì đường bột dễ tan, đánh trứng dễ bông hơn và độ ngọt ít hơn.
Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ
- Trứng: 4 quả
- Đường: 70g
- Nước cốt chanh: 1/2 muỗng canh nước chanh
- Muối: 1 nhúm
- Bột mì đa dụng: 60g
- Bột bắp: 40g
- Dầu ăn hoặc bơ tan chảy: 15ml
- Sữa tươi không đường: 30ml
- Vani (tùy thích): 1 muỗng cà phê
Dụng cụ: phới lòng hoặc máy đánh trắng, âu lớn, nồi cơm điện,…
Cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện
Bước 1: Đánh bông lòng trắng trứng
- Tách lòng trắng và lòng đỏ trứng. Nếu bạn muốn lòng trắng bông tốt thì tuyệt đối không để lòng đỏ hoặc bất kì tạp chất nào lẫn vào lòng trắng. Vậy nên hãy rửa âu sạch và để ráo hoàn toàn. Để trứng ở nhiệt độ lạnh sẽ dễ tách hơn.
- Cho vào 1 nhúm muối và 1/2 muỗng nước cốt chanh vào lòng trắng trứng. Đánh ở mức độ nhẹ cho đến khi hỗn hợp nổi bọt như xà phòng.
- Cho 1/3 phần đường vào âu lòng trắng trứng đánh ở tốc độ chậm. Khi đường tan hết thì cho 1/3 phần đường tiếp theo và đánh ở tốc độ trung bình. Cuối cùng, cho hết phần đường còn lại và đánh với tốc độ cao nhất cho đến khi trứng bông mềm, mịn, nhấc phới lên thì chóp trứng hơi đứng, oặt đầu xuống là đạt.
Lưu ý: Ở nhiệt độ phòng, bọt lòng trắng trứng sẽ vỡ khá nhanh. Vậy nên từ sau bước này, bạn hãy tranh thủ làm các bước còn lại thật nhanh để tránh việc bánh bị xẹp sau khi nướng nhé!
Bước 2: Trộn lòng đỏ trứng
- Cho vani, 30ml sữa tươi không đường và 15ml dầu ăn vào âu đựng lòng đỏ trứng và khuấy đều cho đến khi hòa quyện.
- Lấy một phần nhỏ hỗn hợp lòng trắng trứng bỏ vào âu đựng lòng đỏ trứng và khuấy nhẹ theo đường một chiều cho đến khi được một hỗn hợp đồng nhất.
- Đổ hết phần hỗn hợp lòng đỏ vừa nãy vào phần còn lại của lòng trắng trứng. Sử dụng thao tác fold (dùng phới lồng hoặc phới dẹt hớt trộn đều hỗn hợp từ dưới lên) theo 1 chiều để tránh làm vỡ bọt khí.
Bước 3: Trộn bột bánh
- Rây phần bột bắp và bột mì vào hỗn hợp trứng. Tiếp tục dùng thao tác fold cho đến khi được một hỗn hợp đồng nhất.
Bước 4: Đổ khuôn và nướng bánh
- Dùng bơ hoặc dầu ăn phết quanh nồi để chống dính. Nếu cần, bạn có thể lót giấy nến để đảm bảo việc lấy bánh ra khỏi nồi dễ dàng. Nhưng bạn có thể bỏ qua bước này nếu như bạn sử dụng nồi cơm có chất liệu chống dính.
- Nhẹ nhà cho hỗn hợp bột bánh vào nồi, dàn đều và đập nhạ nồi xuống mặt bàn để làm vỡ các bọt khí lớn.
- Sau đó bạn chỉ cần đậy nồi lại và ấn “cook”. Khi nồi cơm của bạn đã bật qua chế độ “warm” thì hãy lấy một cây tăm thọt vào bánh để thử. Nếu tăm khô tức là bánh đã chín, nếu tăm ướt thì bạn hãy ấn “cook” thêm 1 lần nữa nhé! Các nồi thông thường sẽ nướng bánh chín sau 2 lần “cook”.
- Khi bánh chín, bạn hãy úp bánh lên một cái rack để bánh được thoáng khí và nguội tự nhiên.
Thành phẩm bánh bông lan
Chỉ với 4 bước đơn giản mà không cần dùng đến lò nướng chuyên dụng, bạn đã có được một chiếc bánh bông lan xốp mềm, thơm ngon. Tùy theo sở thích và sự sáng tạo của bạn, bạn có thể phết kem béo lên trang trí hoặc sử dụng mứt trái cây hay thậm chí là ăn cùng sốt trứng và ít chà bông cũng vô cùng ngon đấy!
Lỗi thường gặp và cách khắc phục khi làm bánh bông lan
Bánh bông lan bị xẹp
- Bánh bông lan bị xẹp là do ở bước đánh bông lòng trắng trứng của bạn đánh chưa đạt hoặc là khuấy bột quá lâu khiến bọt khí bên trong hỗn hợp bánh bị bể, làm cho bánh không đủ nở. Việc sử dụng thêm muối và chanh sẽ giúp cho trứng bông tốt hơn.
- Bên cạnh đó, bạn không được giảm đi lượng đường của công thức, vì đường là mấu chốt chính giúp cho lòng trắng trứng được bông lên.
- Đối với âu, phới hay bất cứ dụng cụ nào tiếp xúc với lòng trắng trứng đều phải đảm bảo không được dính tạp chất như mỡ, nước, lòng đỏ trứng,… nhé! Nếu không trứng sẽ không bông đạt yêu cầu.
- Hoặc nguyên nhân của việc này xuất phát từ bột mì của bạn kém chất lượng, hết hạn sử dụng. Vậy nên hãy chọn mua thật kỹ bột mì trước khi làm bánh nhé!
Bánh bông lan bị ướt mặt
- Do nhiệt độ nướng bánh hoặc thời gian nướng bánh không đủ. Nếu được bạn hãy làm nóng nồi cơm điện trước khi cho vào nướng thì sẽ giảm thiểu khả năng bánh bông lan bị ướt mặt.
- Đồng thời, bạn phải đảm bảo lượng sữa cho vào trong hỗn hợp bột bánh không vượt quá định lượng mà công thức đề ra.
Bánh bông lan bị thắt eo
- Khi đã nướng bánh xong, bạn phải ngay lập tức lấy bánh ra và để lên rack cho bánh thoáng khi. Bạn không được đợi bánh nguội hoặc để bánh quá lâu trong khuôn. Do bánh không thoáng khi được tốt mới dẫn đến tình trạng bị thắt eo.
- Tình trạng này của bánh bông lan chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ chứ không ảnh hưởng xấu đến hương vị. Vậy nên bạn cũng không cần quá lo lắng nhé!
Bánh bông lan bị tanh
- Bánh có mùi tanh thường là do bánh chưa chín hoàn toàn. Ngoài ra, khi bánh còn nóng, mùi tanh sẽ có thể khá nồng, nhưng khi nguội hoàn toàn thì mùi hương này sẽ bay đi bớt.
- Để hạn chế tình trạng này, bạn có thể dùng thêm chiết xuất vani, vỏ chanh vàng hoặc vỏ cam vàng để khử bớt mùi tanh.
Bánh bông lan bị khô
- Bánh bông lan bị khô có 2 nguyên nhân xuất phát từ nhiệt độ của bánh hoặc độ hút nước của bột.
- Việc bạn ấn “cook” quá nhiều lần khiến nhiệt độ cao làm bánh bị khô. Hoặc là bột của bạn hút nước nhiều khiến bánh không đủ độ ẩm.
Bánh bông lan bị chai
- Bánh bông lan bị chai chắc chắn xuất phát từ việc bạn đánh lòng trắng trứng quá tay hoặc thời gian trộn bột quá lâu khiến bọt khí vỡ hết và làm bánh bị chai.
- Việc này chỉ có thể khắc phục bằng cách bạn cần làm nhẹ tay và cắt ngắn thời gian trộn bột.
Bánh bông lan bị nứt mặt
Đối với cách nướng bằng nồi cơm điện, vấn đề này sẽ xuất hiện nếu như nồi cơm bạn quá bé và lượng bột bánh quá nhiều khiến phần mặt bánh tiếp xúc gần với nguồn nhiệt gây nứt. Với lượng công thức của Chế Độ Ăn, bạn sẽ cho ra được 1 chiếc bánh với kích thước 18cm x 4cm. Bạn có thể chia nhỏ công thức ra tùy theo kích cỡ nồi cơm hoặc nhu cầu nhé!
Cách bảo quản bánh bông lan
Bánh bông lan rất dễ để bảo quản và ngon nhất khi để lạnh. Vậy nên, bạn có thể đậy kín và bỏ trong tủ lạnh với nhiệt độ dưới 25°C và sử dụng trong 1 tuần. Đặc biệt tránh gió thổi trực tiếp vào bánh khiến bánh mất độ ẩm vốn có và bị khô nhé!
Nhưng nếu bánh bông lan có kèm theo các loại sốt, trái cây, topping đi kèm thì bạn chỉ nên bảo quản và sử dụng trong 3 ngày trở lại để đảm bảo được tính dinh dưỡng.
Xem thêm:
- Bánh kem bao nhiêu calo? Ăn nhiều bánh kem có béo không?
- Cách làm bánh khoai mỡ chiên thơm ngon giòn rụm đơn giản ai cũng làm được
- Cách làm sữa bắp thơm ngon, béo ngậy, bổ dưỡng đơn giản tại nhà
Trên là công thức làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện vô cùng đơn giản mà bất kì ai tại bất kì đâu cũng có thể làm thành công một cách dễ dàng. Mong rằng nhưng thông tin mà Chế Độ Ăn chia sẻ sẻ giúp bạn phần nào đó có thêm ý tưởng chế biến món ăn để chiêu đãi bạn bè và gia đình cùng thưởng thức. Đừng quên thường xuyên ghé thăm Chế Độ Ăn để cập nhật được thật nhiều kiến thức về dinh dưỡng và sức khỏe cùng thật nhiều công thức món ăn đa dạng, bạn nhé!