Sữa chua úp ngược là món ngon giải nhiệt cực kỳ phù hợp để thưởng thức trong những ngày hè nóng bức, cùng bắt tay thực hiện món ăn vừa ngon lại còn bổ dưỡng mà cách làm thì hết sức đơn giản trong bài viết dưới đây nhé!
Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ
- 1 Lít sữa tươi nguyên kem ( Sữa có hàm lượng protein càng cao thì thành phẩm của bạn càng dẻo và ngon)
- 200ml sữa đặc
- 1 hũ sữa chua cái có đường
Dụng cụ: 10 – 12 hũ thuỷ tinh, 1 thùng xốp hoặc thùng gỗ, chăn bông, nồi, bếp,…
Các bước làm sữa chua úp ngược
Bước 1: Khử trùng dụng cụ
Đun một nồi nước sôi, khi nước sôi bạn cho tất cả các dụng cụ làm sữa chua vào và đun trong 30 giây để khử trùng các vi khuẩn. Sau khi khử trùng dụng cụ, bạn vớt dụng cụ ra để vào rổ cho ráo.
Bước 2: Đun hỗn hợp sữa
Cho 1 lít sữa tươi không đường và 1 lon (200ml) sữa đặc vào nồi, dùng thìa khuấy cho hỗn hợp tan đều vào nhau.
Tiếp theo, bạn cho vào nồi 1 lon nước sôi (dùng chính lon sữa đặc ở trên) cho trực tiếp vào nồi sữa.
*Lưu ý: Bạn nên điều chỉnh lượng nước chuẩn xác, vì nếu đổ nhiều hoặc ít nước so với hướng dẫn sẽ làm sữa chua bị lỏng hoặc quá chua.
Tiếp đến, bạn cho hỗn hợp sữa vào nồi đun đến khi sữa đạt 80 – 85 độ C thì tắt bếp. Khi đun bạn phải khuấy liên tục để tránh để sữa cháy ở đáy nồi nhé.
Bước 3: Khuấy sữa chua
Sữa đã nguyện bớt khoảng 40 độ C, lúc này bạn cho sữa chua không đường vào và khuấy nhẹ tay để men sữa chua đều.
* Mẹo hay:
- Bạn nên khuấy đều hũ sữa chua không đường trước khi cho vào hỗn hợp sữa. Làm như thế thì thành phẩm sẽ không bị vón cục và mềm mịn hơn.
*Lưu ý:
- Không cho sữa chua vào hỗn hợp sữa ngay khi sữa còn quá nóng. Men lactic (hay axit lactic) trong sữa chua hoạt động tối ưu ở khoảng nhiệt từ 43 – 45 độ C. Vì vậy nếu bạn cho vào lúc sữa quá nóng sẽ khiến men chết và làm cho sữa chua bị tách nước.
Bước 4: Ủ sữa chua
Chia sữa chua vào từng hũ tủy tinh đã khô ráo. Sau khi chia nhỏ vào các hũ, bạn dùng muỗng hớt bọt trên mặt và đậy nắp rồi tiến hành quá trình ủ.
Có nhiều phương pháp ủ sữa chua: Máy ủ, nồi cơm điện, thùng xốp,…
Ủ sữa chua bằng thùng xốp
Cách đơn giản nhất là chuẩn bị một thùng xốp sau đó lót lớp chăn bông bên dưới, cho từng hũ sữa chua vào rồi đậy tấm chăn bông phía trên. Đậy nắp thùng và để yên tránh di chuyển thùng và ủ sữa chua trong 8 tiếng đồng hồ.
*Lưu ý: Trong quá trình ủ không làm lung lay thùng xốp sẽ làm phá vỡ kết cấu sữa chua.
Ủ sữa chua bằng nồi cơm điện
Cắm sẵn nồi cơm điện khoảng 2 – 3 phút cho ấm rồi rút điện ra. Tiếp theo, cho các hũ sữa chua vào nồi và đậy kín nắp. Sau 8 tiếng ủ, đảm bảo thành phẩm sẽ dẻo mịn và có thể úp ngược thoải mái.
Ủ sữa chua dưới ánh sáng mặt trời
Vào mùa hè này, bạn có thể tận dụng ánh sáng mặt trời để ủ. Xếp lần lượt sữa chua vào 1 cái nồi nhôm, đậy kín nắp lại sau đó đem phơi dưới ánh nắng mặt trời tầm từ 4 – 5 tiếng. Làm cách này sữa chua sẽ đông đặc lại nhanh chóng hơn.
Thành phẩm
Sữa chua sau khi ủ xong sẽ có kết cấu đặc quánh, nhưng khi ăn lại rất mềm mịn, không tách nước và bạn có thể úp ngược thoải mái luôn đó nha. Điều đặc biệt là khi bạn để sữa chua trong ngăn đông thì cũng không lo bị dăm đá.
Những lỗi thường gặp và cách khắc phục khi làm sữa chua
Sữa chua bị nhớt
Món sữa chua thơm ngon là phải đảm bảo được 4 điều là không bị nhớt, có độ sánh và đặc mịn cùng độ chua vừa phải. Nguyên nhân có thể do một trong số đây:
- Việc chia tỷ lệ sữa và men không đồng đều: Nếu cho men nhiều hơn 10% thì sữa chua sẽ rất dễ bị nhớt và không được sánh đặc. Cách khắc phục là chia tỷ lệ men/sữa khoảng 5% là hợp lý nhất.
- Sử dụng dụng cụ đựng sữa chua không phù hợp: Tất cả các dụng cụ bạn sử dụng cần phải đảm bảo khử trùng trước khi làm sữa chua nếu như vệ sinh không kỹ sẽ khiến thành phẩm khi ra lò sẽ bị nhớt. Bạn có thể trần sơ qua nước sôi tầm 30 giây đến 1 phút tất cả các dụng cụ làm sữa chua sau đó để khô ráo rồi mới tiến hành các bước tiếp theo.
Sữa chua bị tách nước
Một trong những tình trạng hay mắc phải khi làm sữa chua là bị tách nước, một số nguyên nhân khiến sữa chua bị tách nước đó là:
- Sữa chua bị tách nước do ủ ở nhiệt độ quá cao: Khi nhiệt độ quá cao sẽ làm cho các men sống trong sữa chua và men vi sinh bị mất đi. Vì vậy, để sữa chua được ngon hơn bạn nên ủ trong khoảng từ 32 – 48 độ là phù hợp nhất.
- Chọn loại sữa không phù hợp: Bạn nên chọn loại sữa tươi nguyên kem thường có hàm lượng protein cao và gần này sản xuất nhất để quá trình lên men không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng sữa nguyên kem, sữa bột hoặc sữa tươi để làm sữa chua đều được.
- Trong quá trình ủ sữa chua bị tác động lực: Tuyệt đối trong lúc ủ bạn không nên mở nắp để kiểm tra hay di chuyển hoặc rung lắc sữa chua, vì sẽ khiến cho sữa chua bị tách nước hoặc nổi váng.
Sữa chua bị lỏng
Nguyên nhân là do men cái không được tốt. Khi sữa chua lâu ngày, men sẽ không còn tốt nữa, việc làm sữa chua sẽ không hiệu quả thậm chí không chua hay bị lỏng. Chính vì vậy men cái khi làm sữa chua không được để quá lâu, bạn nên chọn sản phẩm mới và gần hạn sản xuất trong khoảng 14 ngày đổ lại.
Sữa chua bị chua quá
Trong quá trình ủ nhiệt độ ủ không ổn định hay ủ quá lâu là nguyên nhân làm cho sữa chua bị chua quá. Ngoài ra, khi ủ sữa bị lay động mạnh ( di chuyển thùng xốp hay lò ủ bị rung lắc,…) cũng làm ảnh hưởng đến mùi vị của sữa chua.
Bạn có thể khắc phục bằng cách sử dụng sữa có hàm lượng protein cao hơn một chút hoặc có thể cho thêm sữa bột vào. Ngoài ta, bạn nên để ý đến nhiệt độ ủ cùng thời gian ủ cho chính xác để sữa có hương vị chuẩn nhất.
Sữa chua bị dăm đá
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng sữa chua bị dăm đá là do trong quá trình ủ sữa thường bị lay động mạnh. Bạn nên đảm bảo được sữa không bị rung lắc trong suốt quá trình ủ nhé.
Sữa chua bị đắng
Sữa chua khi được lên men chủ yếu từ sữa và trong sữa còn có vi khuẩn chuyển đường lactose thành acid lactic, chính acid này sẽ khiến protein có trong sữa đông bị vón lại. Vì vậy sữa chua khi để lâu sẽ xảy ra hiện tượng làm sữa đóng vón lại và bị đắng.
Khi để lâu, các chất trong sữa chua sẽ bị mất mùi vị chua và khiến cho các chất đó có mùi vị đắng nên vì thế sữa chua lúc đó cũng sẽ bị đắng.
Mẹo làm sữa chua úp ngược thành công, không nhớt
Lưu ý lựa chọn nguyên liệu làm sữa chua
- Lời khuyên cho bạn là nên chọn sữa tươi nguyên kem vì nó thường có hàm lượng protein cao tốt cho sức khỏe và hơn nữa là cho ra thành phẩm sữa chua đông dẻo mịn. Vì vậy bạn nên lựa chọn loại sữa có hàm lượng protein cao là tốt nhất nhé.
- Khi chọn sữa chua bạn nên để ý lựa mua các sản phẩm gần ngày sản xuất nhất. Vì men lactic trong sữa mới sẽ mạnh và dễ dàng sinh men giúp làm sữa chua ngon và thành công.
Lưu ý khi ủ sữa chua
- Trong thời gian ủ sữa chua bạn cần phải đảm bảo được nhiệt độ ổn định từ 43 – 45 độ C, đây là nhiệt độ tối ưu giúp men sữa chua phát triển và hoạt động tốt nhất.
- Nếu nơi ở của bạn có nhiệt độ hơi thấp, bạn hãy thắp trong thùng 1 bóng đèn vàng 25w để giữ ấm cho quá trình lên men sữa chua được diễn ra hiệu quả nhất.
Xem thêm:
- Thơm ngon với cách làm nước chấm bò nướng lá lốt ngon hết ý
- Cách làm ốc xào chuối xanh ngon mê mẩn, ăn là nghiền
- Hướng dẫn cách làm nước chấm bún thịt nướng ngon như đi ăn tiệm
Trên đây là tất cả công thức, hướng dẫn cách làm sữa chua úp ngược và những lỗi thường mắc phải khi làm sữa chua bạn cần khắc phục. Nếu thấy bài viết bổ ích, bạn đừng quên lưu lại bí kíp trên để tự tay vào bếp làm món tráng miệng bổ dưỡng này cho cả gia đình cùng thưởng thức nhé.