Bơ luôn là loại thực phẩm vô cùng phổ biến trên thế giới cũng như là được mọi người yêu thích đón nhận vì hàm lượng dinh dưỡng và hương vị beo béo đặc trưng. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách để bảo quản bơ trong trạng thái tốt nhất và cách ủ bơ nhanh chín mỗi khi cần. Hôm nay, để Chế Độ Ăn mách ngay cho bạn 5 cách đơn giản để ủ bơ tại nhà vô cùng an toàn nhé! cùng chuyên mục Dinh dưỡng của Chế Độ Ăn tìm hiểu ngay nhé
Cách chọn mua bơ sáp ngon, dẻo, chất lượng
Bơ sáp là một trong 10 loại bơ phổ biến và được ưa chuộng nhất tại Việt Nam. Bơ sáp có lớp vỏ mịn, màu xanh sẫm và phần thịt dẻo, ít xơ. Để chọn mua được bơ sáp ngon, bạn cần chú ý những đặc điểm sau đây:
- Cuống bơ: Nếu bạn muốn bơ để lâu phục vụ cho việc cúng kiến thì nên chọn bơ có phần cuống còn xanh. Cuống xanh chứng tỏ bơ còn non và chưa chín. Khi bạn muốn mua bơ để chế biến ăn ngay thì nên chọn cuống bơ màu ngả vàng. Đây là bơ vừa chín tới, ăn không bị sượng cứng. Tuyệt đối không được mua bơ có cuốn màu nâu vì đó là khi bơ đã quá chín hoặc thậm chí bị hư.
- Lắc quả bơ: Bạn chỉ cần cầm quả bơ lên xem có nặng tay hay không. Nếu lắc thử bạn nghe được tiếng hột dao động bên trong quả bơ thì đó sẽ là bơ ngon.
Cách ủ bơ nhanh chín, không bị chai
Nếu như bạn có nhu cầu chế biến bơ gấp nhưng lại sợ ủ sai cách khiến hàm lượng dinh dưỡng của bơ bị mất đi hay thậm chí khiến bơ bị hỏng thì hãy tham khảo 5 cách sau nhé:
Cách ủ bơ nhanh chín bằng ánh nắng mặt trời
Bơ sẽ dễ chín hơn ở môi trường ấm. Vậy nên cách đầu tiên cũng là cách dễ nhất mà bất kì ai ở bất kì đâu cũng đều có thể làm được. Đó chính là ủ bơ bằng ánh nắng mặt trời.
Bạn chỉ cần để bơ ra tô hay dĩa hoặc bất cứ thứ gì có thể đựng, để ra ngoài ánh nắng đồng hồ. Việc này tùy theo lúc mua, bơ của bạn đã chín đến mức nào mà có thể mất từ vài buổi đến vài ngày cho đến khi bơ có thể sử dụng để chế biến hay ăn ngay được.
Tuy nhiên việc ủ bơ như vậy có thể thu hút bầy kiến đến bu, vậy nên bạn hãy lựa chọn chỗ cẩn thận, canh chừng quả bơ và dùng các biện pháp đuổi kiến an toàn nhé!
Cách ủ bơ nhanh chín bằng túi giấy
Nghe có vẻ lạ đúng không? Nhưng túi giấy lại là một trong những đồ vật hữu hiệu nhất dùng để ủ bơ nhanh chín.
Cách làm vô cùng đơn giản. Bạn bỏ bơ vào trong túi giấy và để ở nơi thoáng mát, khô ráo. Với cách làm này, bơ có thể mất từ 2 đến 5 ngày để có thể chín tùy theo nhu cầu sử dụng của bạn.
Trong giai đoạn chín, bơ sẽ tạo ra khí ethylene. Việc bỏ bơ trong túi giấy và đậy kín như vậy giúp khí ethylene không bị thất thoát, đẩy nhanh quá trình chín của bơ. Ấy nhưng như vậy không có nghĩa là bạn có thể thay thế túi giấy bằng túi nilon nhé! Việc bọc túi nilon không chỉ không giúp bơ nhanh chín mà còn có thể làm bơ bị hư, không ăn được.
Cách ủ bơ nhanh chín bằng gạo
Trong tất cả các bước, đây có lẽ là cách ủ bơ mà chị em chúng ta quen thuộc nhất. Ủ bơ nhanh chín bằng gạo là cách ủ bơ của người Việt Nam ta suốt bao đời nay. Cách ủ bơ này không sợ để bơ bị kiến bu như việc để bơ dưới ánh mặt trời, không phải kiếm túi giấy mà chỉ đơn giản là để bơ vào trong thùng gạo của gia đình và đợi mà thôi.
Cách thức hoạt động của việc ủ bơ bằng gạo này cũng tương tự như khi bạn ủ bơ bằng túi giấy. Đó chính là hạn chế sự thất thoát của khí ethylene thoát ra, thúc đẩy tốc độ chín của bơ và đồng thời hút ẩm giúp hạn chế việc bơ bị hư.
Cách ủ bơ nhanh chín bằng các loại trái cây khác
Đây là cách ủ bơ phổ biến nhất ở các nước phương Tây. Cách này thực chất cũng không kém phần đơn giản như 3 cách trên. Chỉ cần bạn đặt bơ và một loại trái cây khác bất kì như táo, chuối,… mà bạn có sẵn tại nhà, để vào hộp kín và chỉ trong khoảng 2 ngày thì bơ sẽ chín.
Có thể thấy đây là một cách ủ bơ với tốc độ nhanh nhất. Vì khi những loại trái cây trong quá trình chín, chúng đều sản sinh ra một loại khí gas tự nhiên giúp hỗ trợ việc chín mềm. Sức mạnh của khí gas này kết hợp cùng khí ethylene sẽ đẩy nhanh gấp đôi thời gian chín của cả 2 loại trái cây.
Cách ủ bơ nhanh chín bằng nước
Đây chắc là cách lạ nhất trong 5 cách ủ bơ nhanh chín. Bạn chỉ việc xếp bơ với phần cuốn được hướng lên trên. Dùng một miếng khăn ướt phủ đầy rổ hay thau bơ mà bạn đã xếp khi nãy. Cứ mỗi 2 đến 3 tiếng thì bạn hãy quay lại kiểm tra độ ướt, độ ẩm của khăn. Nếu như khăn khô rồi thì hãy nhanh chóng làm ướt khăn và phủ lại lên rổ nhé.
Đây được coi là cách giúp bơ chín đều, ngon miệng mà vẫn giữ được độ xanh mơn mởn xinh đẹp của những trái bơ.
Cũng là với nước, nhưng chúng ta lại có thêm một cách khác để ủ bơ. Bạn hãy chuẩn bị một thau nước thật lớn. Cho bơ vào sao cho phần nước vừa ngập hết bơ. Ngâm trong 20 phút xong lại lấy ra để ráo. Mỗi ngày ngâm một lần và lặp lại mỗi ngày với thời lượng giảm đi mỗi lần từ 3 đến 5 phút cho đến khi bơ chín.
Cách làm này cũng mang lại kết quả như việc phủ khăn và bạn đừng lo nhé, bơ chắc chắn sẽ không bị héo hay hư, bơ sẽ chín trong khoảng 5 ngày trở lại kể từ lần đầu bạn ngâm.
Cách ủ bơ chín nhanh khi đã cắt, không bị thâm đen
Lỡ cắt bơ khi chưa chín, bạn cũng đừng lo. Trừ cách dùng nước để ủ bơ, 4 cách còn lại đều áp dụng cho những trái bơ đã bị cắt mà không bị ảnh hưởng quá nhiều đến hương vị.
Ngoài ra vẫn còn một cách làm bơ chín cấp tốc có thể dùng được hay, dùng được cho cả bơ non nguyên vẹn lẫn bơ đã bị cắt. Rất đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị giấy bạc và một lò nướng.
Làm nóng lò trước ở 200ºC. Dùng giấy bạc bọc kín phần bơ lại. Sau đó cho vào lò nướng với nhiệt độ 200ºC trong vòng 10-20 phút tùy theo độ chín của bơ. Sau đó bạn lấy ra để nguội và cho vào tủ lạnh nhằm làm mát bơ giúp ăn ngon hơn.
Mặc dùng với cách này, bạn có thể làm chín bơ để sử dụng ngay nhưng sẽ khiến bơ của bạn mất đi hương vị béo đặc trưng, kết cấu cũng không giữa được độ mềm mịn như những cách làm bơ chín tự nhiên được nên trên. Vậy nên bạn hãy xem xét kỹ trước khi áp dụng cách này nhé!
Cách bảo quản bơ không bị thối, không thâm đen
Để có thể bảo quản bơ hiệu quả thì bạn cần sơ chế bơ đúng cách. Đầu tiên là rửa sạch bơ với nước sau đó để thật ráo. Cắt bơ làm 2 và vứt bỏ hột. Hột bơ chính là nguyên nhân chính làm bơ dễ hỏng, thối hay thâm đen.
- Cấp đông bơ: Đây là cách phổ biến và đơn giản nhất để bảo quản bơ. Bạn cần chuẩn bị một chiếc túi sạch và khô ráo. Bỏ phần bơ đã sơ chế vào và cho vào ngăn đông. Khi cần sử dụng thì để rã đông với nhiệt độ phòng. Cách này sẽ ảnh hưởng một phần đến kết cấu mềm mịn của bơ vì quá trình cấp đông và rã đông nhưng đây là cách bảo quản bơ được lâu nhất. Nếu như bạn cần trữ bơ để xay sinh tố thì đây cách này sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.
- Dùng dầu oliu: Sau khi sơ chế bơ, bạn chỉ cần phết một lớp dầu oliu mỏng lên mặt bơ đã cắt xong cho vào hộp hoặc túi đậy kín cho vào ngăn mát tủ lạnh. Chính lớp dầu oliu này sẽ giúp bơ không tiếp xúc nhiều với không khí, từ đó làm chậm quá trình ô xy hóa diễn ra, giúp cho bơ không bị thâm. Ấy nhưng cách này có nhược điểm khi không dành cho những ai không biết, không quen mùi và vị của oliu. Thế nhưng, đây sẽ là cách tốt nhất để bảo quản bơ dùng cho việc chế biến các món ăn như salad hay sốt.
- Dùng chanh: Phương pháp này có cách làm cũng như là cách thức hoạt động tương tư như việc dùng oliu. Bạn chỉ cần dùng chanh phết quanh bề mặt của bơ đã được sơ chế. Xong cho vào một túi hay một chiếc hộp sạch xong đậy kín cho vào ngăn mát tủ lạnh. Trong chanh có chứa vitamin C, đây là chất giúp ức chế ô xy hóa nên bơ sẽ được bảo quản lâu hơn.
- Dùng hành tây: Bạn cho hành tây được cắt đôi và bơ vào cùng một hộp xong đậy kín cho vào tủ lạnh. Nhưng tinh chất mà hành tây tiết ra sẽ ức chế các enzym trong quá trình ô xy hóa giúp bơ sẽ luôn tươi. Khuyết điểm của cách này đó chính là mùi hăng của hành tây khiến bạn không thể dùng bơ làm các món ngọt, món tráng miệng được mà chỉ áp dụng cho các công thức chế biến món mặn mà thôi.
Quả bơ bị thâm ruột có ăn được không? Bơ bị chai có chín được không?
Bơ bị thâm ruột có thể là do phần thịt tiếp xúc với không khí gây ra việc bị ô xi hóa lớp ngoài. Vậy nên quả bơ bị thâm ruột vẫn có thể ăn được nếu như không mọc nấm, mốc hay không bị nhũn ra cùng những mùi lạ.
Tuy nhiên nếu như phần bơ bị thâm xuất hiện nhựng đốm màu nâu hoặc đen thì bạn không nên sử dụng nhé, đó là bơ đã bị hỏng. Nếu như tiếc của mà sử dụng có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bạn và dẫn đến việc đau dạ dày hoặc đi ngoài.
Bơ bị chai hoặc bị héo đều sẽ không chín được. Kể cả đối với những nhà vườn mát tay, việc chăm sóc bơ không đúng cách đều có thể dẫn đến việc cho ra những quả bơ bị chai. Vậy nên bạn phải thật cẩn thận khi lựa chọn bơ để sử dụng nhằm tránh bị lừa và mất tiền oanh. Những trái bơ bị chai thường có lớp vỏ ngoài xuất hiện những đốm trắng hoặc sần sùi hơn bình thường. Hãy lựa chọn đúng khi mua nhé!
Xem thêm:
- 9 tác dụng của quả bơ với sức khỏe, các lưu ý khi sử dụng bơ và món ăn ngon từ loại quả này
- 7+ Cách làm sinh tố cà chua thơm ngon bổ dưỡng đẹp da cực đơn giản
- 3 Cách làm bánh tráng trộn sa tế cay ngon, đơn giản chuẩn vị dễ làm tại nhà
Trên là một số thông tin về cách ủ bơ nhanh chín cũng như là cách bảo quản bơ. Bạn có thể xem thêm bài 9 tác dụng của quả bơ với sức khỏe, các lưu ý khi sử dụng bơ và món ăn ngon từ loại quả này để biết thêm những thông tin dinh dưỡng của bơ và những thông tin liên quan nhé! Mong là những kiến thức mà Chế Độ Ăn chia sẻ sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong công việc nội trợ hằng ngày. Đừng quên thường xuyên ghé thăm Chế Độ Ăn để nhận được những kiến thức về sức khỏe và dinh dưỡng cũng như là hàng loạt công thức món ăn đa dạng và mới lạ nhất!